Giới thiệu
NHỮNG QUYỂN SÁCH TẶNG
Nguyễn Xuân Xanh
Trong hơn năm qua tôi nhận được một số sách của tác giả gửi tặng. Do quỹ thời gian eo hẹp, không thể giới thiệu được ít nhiều về nội dung, nên tôi xin chỉ xin giới thiệu bằng hình ảnh sách và vài ý kiến ngắn dưới đây. Cuối năm rồi có những quyển sách của anh GS. Phan Văn Trường, Cao Huy Thuần và của tác giả Lâm Thành Mỹ, làm tôi rất vui. Đặc biệt những quyển sách nói về quyền con người của trong các bộ luật lâu đời của Việt Nam của các luật gia Việt Nam. Một cánh cửa nhận thức được mở ra và cụm từ “quyền con người” reo lên từ quá khứ xa xưa.
Nhân dịp Ngày văn hóa đọc sách của Việt Nam (21/4) và của Thế giới (23/4) tôi xin giới thiệu với anh chị. Xin cảm ơn các tác giả đã có nhã ý tặng sách cho tôi, và xin lỗi, do hạn chế thời gian, tôi không thể đi sâu vào từng tác phẩm. Và xin lỗi đã đăng trễ hơn dự tính. Còn một quyển sách giá trị nữa mà tôi sẽ giới thiệu riêng, liên quan đến sự phát triển của TQ trong bốn thập niên qua. Rất cảm ơn anh N.V.N., một người bạn dịch thuật của tôi, người dám bỏ thời gian và công sức để dịch những sách chủ đề quan trọng. Mong anh vẫn tiếp tục. Tôi cũng ao ước mỗi người trong chúng ta sẽ có sách, để đất nước có thêm nhiều ánh sáng trên cuộc hành trình của mình. Ra sách phải là điều nung nấu, là dự tính của chúng ta. Các giáo sư phương Tây bận rộn vô cùng với công việc hàn lâm và trách nhiệm xã hội, nhưng họ vẫn có sách hay cho công chúng.
Có thể tôi cũng bỏ sót một hai quyển sách. Rất xin lỗi. Tôi sẽ giới thiệu trong lần tới.
Thân mến,
Nguyễn Xuân Xanh
Huỳnh Như Phương là một trong những cây bút văn học, phê bình văn học tôi rất thích, vì nó cung cấp nhiều ý tưởng, giống như những “thí nghiệm”, gedankenexperiment, phong phú và kích thích, trong văn chương. Ý tưởng, chủ đề của ông rất đa dạng. Quyển Giấc mơ, Cảnh tượng và Cái nhìn là một tập hợp nhiều bài viết về nhiều chủ đề như thế. Ông luôn luôn thể hiện cái nhìn vừa gần, vừa sát với thực tế mà cũng vưa xa để thấy toàn cục của một đề tài. Một trong những vấn đề ông chưa “tiêu hóa” được là sự thống nhất về nội tâm, tinh thần và tình cảm của dân tộc này. “Ta đã ‘gặp mình’, như trong một câu thơ của Tố Hữu mà ông trích dẫn, gần 40 năm, nhưng chiến tuyến còn hiện diện trong lòng người và những cơ hội hóa giải vẫn bị bỏ lỡ”, ông viết. Trong bài Những giấc mơ văn học, đăng trên tạp chí Sông Hương tháng 3, 2015, ông viết: Văn học từ một làng quê ra đất nước, thành tiếng nói nghệ thuật hóa giải đau thương của dân tộc, rồi từ dân tộc đi tìm sự đồng cảm của nhân loại, đó là con đường của một giấc mơ. Thế kỷ 20 qua đi hơn một thập niên nhưng con đường của văn học Việt Nam vẫn còn đang dang dở. Những khuynh hướng nghệ thuật, dù trung tâm hay ngoại biên, đều dang dở. Những tài năng cũng dang dở. Nỗi khao khát một nền văn học đỉnh cao vẫn chưa được thỏa nguyện. Nhưng chính vì vậy mà nó có sức hấp dẫn. Đó là sức hấp dẫn của những giấc mơ. Dù giấc mơ vẫn còn là giấc mơ.” Đây là vấn đề lớn của Việt Nam, không riêng gì giấc mơ văn học, mà là giấc mơ ra biển lớn và trưởng thành toàn diện với thiên hạ. Chúng ta còn thiếu “những bức tranh lớn” của cuộc vươn lên, chưa hình dung, thiết kế và thực hiện được bức tranh lớn đó. Ông thử tưởng tượng, nếu một ngày nào đó một nhà văn Việt Nam đoạt giải thưởng Nobel văn học, thì tác giả đó sẽ nói gì khi nhận giải? “Người đó sẽ nói về vẻ đẹp của tâm hồn dân tộc mình y như Y. Kawabata nói về vẻ đẹp của tậm hồn Nhật Bản?”, ông viết. “Người đó nói về nỗi cô đơn của người châu Á như G. G. Marquez nói về nỗi cô đơn của châu Mỹ La-tinh? Người đó sẽ nói nỗi khổ đau của một dân tộc trải qua mấy cuộc chiến tranh, bao nhiêu người đã ngã xuống để có hòa bình mà rồi mà vẫn không thôi bị kẻ khác rình rập ….? Người đó sẽ nói về những ảo mộng tan vỡ vì lý tưởng bị phản bội? Người đó sẽ nói về những giằng xé của đất nước khi tiếp xúc với một nên văn minh xa lạ và phải chấp nhận những sự trả giá nhiều khi rất đắt trên con đường hiện đại hóa? Hay người đó sẽ nói về tiếng Việt, một ngôn ngữ kỳ diệu, mượn cách ký âm phương Tây mà lưu giữ tinh hoa dân tộc, qua số phận của tiếng Việt mà nhìn thấy số phận của đất nước?”
Hay là lúc đó nhà văn nói với một tâm thức, tâm tình khác? Nhưng với tôi sự cô đơn của châu Á quả là quá khủng khiếp. Bao nhiêu kiếp người bị xem là hèn mọn chỉ bị sử dụng để lót đường cho các chế độ quân chủ và độc tài. Người dân, people, không có tiếng nói, không có tự do để phát triển và để tự lột bao nhiêu cái áo cũ trên thân mình để thật làm người mới? Immanuel Kant đã từng nói: Nếu để họ có đủ tự do, họ sẽ tự khai sáng, vì đó là quá trình tất yếu trong chuỗi tiến hóa của con người. Thế hệ này sang thế hệ khác, họ phải mang những lớp áo cũ kỹ mốc meo như những lớp áo tẩn liệm của các mummies? Ôi sự cô đơn còn nhiều hơn cả trăm năm, và vẫn còn tiếp tục. Đó là số phận của châu Á. Nhưng rồi một ngày sẽ đến khi châu lục này được lột xác để trở thành những con người thật, không phải do bàn tay của những vị anh hùng nào, có thể họ cũng có những góp sức nhất định, mà chủ từ một quá trình phát triển kinh tế và khoa học không cưỡng được của một loại toàn cầu hóa đã bắt đầu từ hơn hai trăm năm trước. Cái đẹp, cái đúng, cái hữu dụng, rồi đây sẽ chiến thắng mà hàng triệu triệu người, qua một “bàn tay vô hình” nói như Adam Smith, tự nguyện thực hiện một cách kiên trì. Cái động lực lợi ích riêng tư từng người, từng dân tộc, sẽ tạo thành lợi ích bao trùm của cả châu lục. Vương quốc của bóng tối từng bước sẽ lùi dần trước ánh sáng của bình minh và ngày đến. Xem Fichte, Đòi lại tự do tư duy (1793) sắp đăng.
⭐⭐⭐
Văn học Nhật Bản – Vẻ đẹp mong manh và bất tận do Lam Anh biên soạn. Một học giả và dịch giả trẻ về văn hóa Nhật Bản, từng du học nhiều năm tại Nhật Bản, và thấm đượm tinh túy văn hóa Nhật Bản. Cô cũng đang giảng dạy tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Muốn hiểu tâm hồn người Nhật, không chỉ hiểu cái triết lý bushido của họ, ZEN, mà còn cần hiểu thêm cái đẹp, cái tinh tế của họ trong văn học và nghệ thuật. Họ là dân tộc võ sĩ đạo, nhưng đồng thời là những người kiến tạo những giá trị văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, hội họa tinh tế mà phương Tây phải ngả mũ. Lam Anh, với tư cách là một dịch giả, sẽ còn dành cho công chúng Việt Nam nhiều tác phẩm hứa hẹn trong thời gian tới từ kho tàng văn học to lớn của Nhật Bản.
Tác giả Lam Anh (Báo SGGP)
⭐⭐⭐
Cuộc Duy Tân Minh Trị- Một cuộc cách mạng hiếm thấy trong lịch sử của hai tác giả Banno Junji & Ohno Ken-Ichi, do GS Đặng Lương Mô chuyển ngữ, trình bày cuộc cách mạng Minh Trị độc nhất vô nhị trong lịch sử thế giới. Như GS Đặng Lương Mô tóm tắt, một trong những mục tiêu của quyển sách là
- Giải thích tại sao cuộc Cách Mạng Minh Trị đã có thể xảy ra một cách “nhanh gọn” để đưa Nhật Bản lên xếp ngang hàng với các cường quốc Âu-Mỹ thời đầu thế kỷ 20. Trong quá trình này, các tác giả đã đưa ra một mô hình gọi là “cấu trúc mềm” để giải thích cho sự “nhanh gọn” đó trong bối cảnh phức tạp mà Nhật Bản lúc đó đang đối mặt, nghĩa là một mặt phải đáp ứng yêu sách của các cường quốc Âu-Mỹ, một mặt phải giải quyết những mâu thuẫn, những khúc mắc, những bất cập nội tại.
- Chứng minh bản chất của cuộc Cách mạng Minh Trị không phải là cuộc cách mạng có tính “độc tài”, “cưỡng chế”, “chuyên quyền”, “phi dân chủ” chỉ một mực chú trọng đến “phát triển”, có khi phải “hi sinh dân chủ” hoặc “trì hoãn tự do” như đã thấy ở những cuộc cải cách lớn đã hoặc đang còn diễn ra ở các nước/vùng đất Đông Á (Đài Loan, Hàn Quốc) và các nước Đông Nam Á (Inđônêxia, Xingapo, Malêxia, Thái Lan).
Ohno Ken-Ichi là giáo sư không xa lạ với Việt Nam. Ông từng tư vấn nhiều năm cho Việt Nam và được trao tặng Huy Chương Vì Sự nghiệp Giáo dục của Việt Nam ngày 28 tháng 11, năm 2011. Ông có nhiều quyển sách rất bổ ích, chẳng hạn như quyển Learning to Industrialize.
Tôi có giải thích thêm những yếu tố đặc thù văn hóa, chính trị, xã hội của Nhật Bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự thành công của cuộc chuyển đổi từ xã hội phong kiến sang xã hội công nghiệp ở Nhật Bản, để so sánh với Việt Nam, “đồng văn, đồng chủng” nhưng không đồng trình độ phát triển: Phan Châu Trinh – Việt Nam – và Nhật Bản
⭐⭐⭐
Cái cân nhà họ Balek (Die Waage der Baleks, 1953) tác giả Heinrich Böll, dịch giả: Phạm Hải Hồ (Đức): Một tác phẩm của những truyện ngắn thời hậu chiến của nhà văn Đức Heinrich Böll, Giải Nobel Văn học năm 1972. Quyển sách đã trở thành tác phẩm kinh điển trong trường học. Câu chuyện cái cân nhà họ Balek kể rằng, do quyền lực của gia đình Balek, mà họ đã độc quyền sở hữu cái cân trong làng, và họ đã gian lận chỉnh sai cân để lừa những người nông dân giao hàng cho họ. Do quyền lực quá mạnh của nhà Balek mà vụ gian lận đã không được phanh phui trong nhiều thế hệ, cho đến khi cậu bé 12 tuổi, Franz Brücher, ông nội của người kể chuyện lần ra dấu vết. Tuy nhiên, những người nông dân và công nhân nổi dậy không thể khẳng định mình trước sức mạnh của Baleks, và cuộc nổi dậy của họ bị nghiền nát bằng bạo lực. Motif của Böll là sự phụ thuộc và bất lực của con người trước mưu đồ của những kẻ cầm quyền trong một xã hội quân chủ-tư bản chủ nghĩa, và sự nỗi dậy của những người bị áp bức bóc lột. Đối với ông, sự nổi dậy của những người bị bóc lột chống lại những kẻ bóc lột giống như công việc của Chúa Kitô: “Công lý trên trái đất, Chúa ơi, đã giết ngài”.
Bản dịch hay, dễ đọc. Khoảng 180 trang, khổ nhỏ gọn, với 16 câu chuyện.
⭐⭐⭐
“Lối về quê mẹ” là tập Hồi ký của TSKH Trần Hà Anh, Việt Kiều Pháp, kể lại cuộc hành trình lớn lên trong những điều kiện khó khăn của chiến tranh, rồi được đi du học Pháp, vào thi đỗ vào trường danh giá Pháp École Polytechnique, thành đạt, đi vào chuyên ngành là an toàn trong năng lượng nguyên tử để hy vọng có dịp đóng góp cho quê hương. Sau 1975 ông quyết tâm quay về phục vụ đất nước như lý tưởng tuổi trẻ cháy bỏng của mình, chấp nhận mọi khó khăn khôn lường đang chờ đợi trước. Ở một đoạn tác giả viết: “Có những khó khăn mang tính khách quan, nhưng cũng còn nhiều khó khăn mang tính chủ quan. Thủ tướng nói với chúng tôi, trong những khó khăn do chủ quan ấy, có một lý do quan trọng là ‘chúng ta còn quá dốt, dốt đến nỗi không biết mình là dốt nữa’.” Một sự nhìn nhận can đảm về thực trạng lúc bấy giờ.
Tác giả ký tặng sách
Phân nửa quyển đầu nói về cuộc hành trình từ nhỏ, lớn lên, đi du học, hoạt động. Nửa sau về quá trình sống và làm việc ở quê nhà, những cái làm được và chưa được và những lý do. Ông bộc bạch về những khó khăn không tưởng tượng nổi.
Tác giả viết rất công phu, còn lưu giữ những hình ảnh xưa nguyên vẹn. Đặc biệt các bạn trẻ muốn đi du học Pháp nên tham khảo. Mong có nhiều hồi ký từ những người du học như thế này để làm tư liệu lịch sử của một thời của đất nước.
Trước đây tôi có ý nghĩ xuất bản một tập kỷ yếu tự sự của các nhà khoa học Việt Nam từng du học, nhưng rất tiếc không thành.
⭐⭐⭐
Cuốn sách “Đổi mới giáo dục đại học: Từ ý tưởng đến thực tiễn “ của tác giả Đặng Ứng Vận là một tập hợp có chọn lọc các bài viết, ý kiến phát biểu tại các hội nghị, hội thảo, bàn tròn tư vấn, trả lời phỏng vấn của tác giả trong thời điểm xây dựng cũng như trong quá trình thực hiện NQ29 với tư cách là một cán bộ tham mưu cấp chiến lược trong thời gian tác giả công tác tại Văn phòng Chính phủ là Ủy viên và Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục; cũng lại là một cán bộ quản lý giáo dục khi đảm nhận Phó Hiệu trưởng Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước và sau đó là Hiệu trưởng Trường đại học Hòa Bình. Vì vậy, nội dung cuốn sách khá đa dạng và từ những góc nhìn khác nhau về vấn đề đổi mới giáo dục đại học Việt Nam. Có thể tóm tắt lại những nội dung cốt lõi của cuốn sách như sau:
Trên cơ sở phân tích những mâu thuẫn và các vấn đề lớn của giáo dục Việt Nam, tác giả đã trình bày một số ý tưởng cốt lõi về quan điểm, định hướng chiến lược đổi mới bắt đầu từ đổi mới có tính cách mạng việc học của thế hệ trẻ. Tài năng con người là đa dạng và ẩn chứa bên trong mỗi cá thể, như là mỏ quý, không thể khai thác theo cùng một quy trình được. Con em chúng ta cần được học ở các trường tốt. Ở đó thầy cô giáo biết cách hướng dẫn cho người học lựa chọn, điều chỉnh phù hợp với từng cá thể , nuôi dưỡng được tâm hồn và lòng đam mê học tập. Hệ thống giáo dục cần đảm bảo cho “ai cũng được học hành” ở mọi trình độ và lĩnh vực đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời (các bài số 1 và 4). Để có thể làm được điều đó trước hết cần đổi mới tư duy giáo dục (bài số 2) phát triển một hệ thống giáo dục có thể tương thích với nhu cầu phát triển của nền văn hóa dân tộc, với các chính sách kinh tế của đất nước và môi trường toàn cầu hóa ( bài số 3) phát huy đầy đủ năng lực cộng hưởng của giáo dục khi chúng ta mở rộng quy mô giáo dục đại học (bài số 5), thiết kế và vận hành một hệ thống giáo dục mở và khai phóng (bài số 6) để có thể huy động được nguồn lực xã hội: nhân lực, vật lực, tài lực và trí lực trong đổi mới giáo dục đại học (các bài số 6 và 7) đáp ứng đổi mới việc học của thế hệ trẻ và tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0 (bài số 8).
⭐⭐⭐
Tác giả đã có buổi giới thiệu sách rất ấn tượng tại Đại học Fulbright. Đây cũng là một hồi ký kể lại cuộc hành trình khó khăn của tác giả, từ một cậu bé không được học hành đàng hoàng đến trở thành một người có nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo sau 1975, đại diện cho Nhóm Thứ Sáu làm đối tác cho lãnh đạo. Anh có phẩm chất của một người thầy, nhà giáo dục, educator, cũng là một người khai phá, tiên phong, có tầm nhìn. Sự phát triển của Khu chế xuất Tân Thuận và Phú Mỹ Hưng mang đậm dấu ấn của anh. Anh đặc trưng có lối tư duy bằng hình ảnh (thinking in pictures) rất rõ nét. Tác giả rất yêu vật lý, và có thể trở thành một nhà vật lý học có tài nếu được đào tạo chính quy. Đây là một đoạn tâm sự của anh trong buổi giới thiệu sách của anh tại Đại học Fulbright về cái học của anh:
Thậm chí học để làm gì cũng mình không biết. Mà học như thế nào cũng không biết. Nhưng cái gì dù không biết mình cũng vẫn cứ học. Cái tâm trạng học của tôi là như thế. Giống như người đi đường gặp cục gạch, hình dung nó có giá trị, nhưng không biết giá trị ở chỗ nào, thôi cứ lượm về nhà để đó cái đã. Nhiều người hỏi, mày học cái này để làm gì? Tôi trả lời mình cũng không biết. Cứ thế mà đi, từng chút từng chút như thế. Chỉ tính được từng ngày thôi, chứ không từng tháng. Và cứ thế trong cuộc đời này, thì đến một lúc mới thấy hóa ra, trong quá trình đi, cái gì mình lượm được cũng có lúc sử dụng được cả. Lúc đầu nó ngỗn ngang, nhưng rồi dần dần tự kết lại với nhau thành những thứ có giá trị. Và mình cứ như thế mà đi.
Phan Chánh Dưỡng
⭐⭐⭐
Kinh tế Nhật Bản – Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973 của GS Trần Văn Thọ, tôi đã giới thiệu ở đây:
Sách “Kinh tế Nhật Bản – Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973” (Trần Văn Thọ)
⭐⭐⭐
Cơ học lượng tử và Thuyết tương đối của anh Phạm Xuân Yêm tôi đã giới thiệu trên mạng, bao gồm lời giới thiệu rất hay của GS Trịnh Xuân Thuận và Pierre Darriulat:
Xem giới thiệu chi tiết ở đây:
Cơ học lượng tử & Thuyết tương đối (Phạm Xuân Yêm)
⭐⭐⭐
Một quyển sách đượm triết lý nhà phật, rất nhiều chất khai sáng và thiền. Trong “Góp Lời cho Im lặng” như một lời giới thiệu, GS. Huỳnh Như Phương viết: “Cao Huy Thuần nói rằng tất cả những bài viết của ông đều là những lá thư tình, thư tình cho quê hương, cho bạn bè, cho những người trẻ đang đến và sắp đến trên quê hương này. 12 chương sách này cũng là 12 lá thư tình.” Ai từng yêu thích các tác phẩm của Cao Huy Thuần, không thể bỏ qua tác phẩm này. Nếu nói như Rumi, “Im lặng là cội rễ của everything, thì tại sao bạn lại sợ Im lặng?” Im lặng, cô đơn là một chủ đề lớn, mà người thường không thích nó, nhưng lại không thể thiếu để con người tìm lại chính mình, và cá nhân tính đặc thù của mình, “our authentic selves”, “our real identity”, độc lập với các con đường mòn của số đông. Hầu hết sản phẩm tư duy đều xuất phát từ đó. Không có nó, không thể có nền văn minh có chiều sâu. Không có nó, không có con người cá nhân mà chỉ có con người tập thể. Im lặng, cô đơi trả lại tự do cho con người và giúp con người ý thức về mình và thế giới, mở rộng trí tưởng tượng, cái cần thiết cho sáng tạo. Con người rất có năng lực sống “cô đơn và tự do” như lý tưởng về cuộc đời đại học Wilhelm von Humboldt đã đưa ra.
Đôi khi mệt mỏi về cuộc đời, về chính những thú vui của nó, lúc đó cô đơn và im lặng là healing, heilsam như mấy câu thơ của Wordworth sau đây:
When from our better selves we have too long
Been parted by the hurrying world, and droop,
Sick of its business, of its pleasures tired,
How gracious, how benign, is Solitude.
Không phải im lặng để chia tay đâu. Nếu cùng im lặng thì chúng ta sẽ gặp lại anh Cao Huy Thuần, ở một không gian trong trẻo hơn.
⭐⭐⭐
Bộ ba sách của GS Phan Văn Trường, một nhà thương thuyết, quản trị và một học giả giàu kinh nghiệm và thử thách, và cây bút ấn tượng. Một loại sách “Học làm người mới” thời đất nước phải vươn lên bằng trí tuệ, và cũng không muốn đánh mất trái tim, theo phẩm chất mà các nhà cải cách Nhật Bản Minh Trị từng truyền bá. Hơn 20.000 bản đã được bán ra. GS Phan Văn Trường là một người dấn thân, tâm huyết với đất nước, muốn dẫn dắt và truyền bá những kinh nghiệm quý báu của mình cho các bạn trẻ Việt Nam đang tìm đường đi như chính ông đã từng trải. Ông như ngôi sao sáng dẫn. Ông là một người thầy, người truyền cảm hứng và kết nối, làm sống lại sự học và giá trị đạo đức một cách sống động. Ông có năng lực diễn tả bằng ngòi bút rất mạnh mẽ, và làm cho đôc giả đam mê. Có thể đọc nhiều hơn về cuộc đời và những thành tựu của ông trên mạng wikipedia.
Bộ sách cống hiến của GS Phan Văn Trường, trong đó có quyển Một đời thương thuyết được trao Giải Sách Hay năm 2016 trong hạn mục Quản trị.
⭐⭐⭐
Sách Danh nhân khoa học & Lược sử khoa học thế giới của một tác giả mới vào thị trường sách, có ước muốn “góp phần vào việc làm giàu cho văn hóa khoa học” như anh nói. Tác giả là một Việt Kiều sống lâu năm ở Pháp. Đây là quyển 1, viết về thời kỳ từ cổ đại đến cuối thế kỷ 18. Các danh nhân khoa học, kỹ thuật đều xuất hiện trong quyển sách hơn 400 trang này.
Trong sách The Scientific Outlook (Viễn cảnh khoa học, 1959) nhà toán học và triết học Bertrand Russell viết:
Lệ thường, trong một trường phái nhất định của ngành xã hội học, người ta giảm thiểu tầm quan trọng của trí tuệ (intelligence), và gán tất cả những sự kiện lớn cho những nguyên cớ phi-con người (impersonal causes). Tôi tin rằng điều đó là một ảo giác toàn diện. Tôi tin rằng nếu một trăm con người của thế kỷ 17 bị giết chết trong tuổi thơ ấu, thế giới hiện đại sẽ không tồn tại. Và trong số một trăm người này, Galileo là người đứng đầu bảng danh sách.
Thú vị không kém khi nhà toán học và triết học Alfred North Whitehead trong sách Sience and the Modern World (Khoa học và Thế giới hiện đại, 1925) của mình nói về vai trò của khoa học trong lịch sử nhân loại. Ông là một trong những nhân chứng lịch sử bị sốc nặng khi chứng kiến sự sụp đổ của vật lý Newton trước thuyết tương đối rộng mới nổi của Einstein về hấp lực năm 1919. Ông viết đoạn kết của cuốn sách nầy như sau:
Những người chinh phục vĩ đại, từ Alexander đến Caesar, và từ Caesar đến Napoleon, ảnh hưởng sâu sắc cuộc sống của các thế hệ sau. Nhưng tổng hiệu quả của ảnh hưởng này rút lại thành tầm thường nếu so sánh với toàn bộ sự biến đổi của thói quen và tâm tính con người gây ra dài hạn bởi một chuỗi dài những con người của tư duy từ Thales đến ngày hôm nay, những người xét về cá nhân không có quyền lực gì, nhưng tối hậu lại chính là những người trị vì thế giới.
Xem Khoa học và sự truyền bá đại chúng
Cho nên quyển sách Danh nhân khoa học là rất có ý nghĩa. Chúng ta tận hưởng những thành quả của họ ngày hôm nay mà không thể nào không biết về họ. Quyển sách giúp ích chúng ta, nhất là các bạn trẻ, để thấy, nói như đại văn hào Schiller, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo là một mệnh lệnh của mọi thời đại để đền ơn các thế hệ trước.
⭐⭐⭐
Đó là câu chuyện một dân tộc lưu vong bị đặt ngoài vòng pháp luật trên khắp hành tinh sau Thế chiến II đã hội tụ để xây dựng quốc gia mới tại mảnh đất có nhiều di tích lịch sử của mình. Nếu chúng ta chưa đủ cảm hứng để có những hành động hữu hiệu, xin mời đọc quyển sách về Israel. Một dân tộc nhỏ bé về đất đai và dân số (22.145 km², 9,364 triệu dân, GDP $488,527 million năm 2022 hơn cả Việt Nam, đứng hàng thứ 28 trong tổng số 196 quốc gia) mà, bằng óc sáng tạo, sự cần cù, ý chí, thông minh, đoàn kết, phát triển công nghệ cao, đứng vững được giữa biển thù địch bao vây. “Lịch sử Israel kể về lịch sử của một đất nước nhỏ bé và về tư tưởng cổ xưa mà từ đó, đất nước này được sinh ra. Đó là câu chuyện về một đất nước đã thành công với rất ít cơ hội, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều kẻ thù và trở ngại đáng sợ – mà một số người nói rằng không thể vượt qua.” như tác giả viết trong lời mở đầu. “Từ một ý tưởng mơ mộng, chủ nghĩa phục quốc Do Thái đã trở thành phong trào hàng đầu của những người Do Thái sống rải rác trên khắp thế giới, hay trong cộng đồng người Do Thái hải ngoại. Người Do Thái bắt đầu trở về Israel từ khắp nơi trên thế giới sau 2000 năm tha hương, hồi sinh Israel từ đống đổ nát. Hành trình đặc biệt này vẫn đang tiếp tục, Israel ngày nay là một quốc gia phát triển hiện đại, dẫn đầu thế giới về công nghệ tiên tiến. Israel có một nền kinh tế mạnh, một hệ thống quốc phòng vững chắc và một số tổ chức khoa học hàng đầu thế giới.” như ngài cựu đại sứ Nadav Eshcar viết trong Lời giới thiệu cho quyển sách. Dân tộc bé nhỏ, nhưng sức sống mãnh liệt, đó là điều để người Việt suy ngẫm. Trong quyển Từ quãng đời sau của tôi, Einstein đã dành cả một chương để suy ngẫm về “Dân tộc tôi”.
Xem thêm:
Hiện tượng Do Thái – Một lý giải
⭐⭐⭐
Sách Tư Tưởng Giáo Dục Việt Nam trên báo Thanh Nghị 1941-45:
Tôi may mắn được anh Vũ Thế Khôi, con của cụ Vũ Đình Hòe tặng. Cụ Hòe là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cụ là chủ bút của tờ Thanh Nghị và có nhiều nhất các bài viết về giáo dục. Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 Năm (2010) có nhiều bài viết về cụ. Tư Tưởng Giáo Dục Việt Nam là một sưu tầm quý báu những ý kiến về một nền giáo dục hiện đại cho Việt Nam. Họ thật sự nỗ lực, dấn thân. “Thanh Nghị là tiếng nói của lớp trí thức do nhà trường Pháp đào tạo ra hoặc ở Paris hoặc ở Hà Nội … Họ nhận thấy rằng văn minh phương Tây rất cần để soi đường và kích thích dân tộc Việt Nam tiến bộ, nhưng họ muốn có cái gì của riêng mình. [,,,] Lần đầu tiên ta thấy những người trí thức xuất thân ở các trường đại học Pháp tập hợp xung quanh một cơ quan đứng đắn, sử dụng câu văn Việt hoạt bát, đạt đạo những suy nghĩ của họ. Cũng như toàn dân, họ thấy đất nước đang chuyển mình. Hơn cả toàn dân, họ thấy trách nhiệm của người hiểu biết, cho nên đứng ra lo liệu những rường cột cho tòa nhà Việt Nam ngày mai […] Những bài báo của nhóm Thanh Nghị làm cho người ta như đã cảm thấy cái không khí độc lập, cái ngày vui sắp tới mà người Việt Nam có thể cùng nhau lo lấy kể cả những vấn đề chuyên môn cao nhất” (Huỳnh Thanh Tòng, Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945; trích từ Mấy cảm nghĩ của nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân như một lời tựa trong quyển sách. Rất đáng đọc.
⭐⭐⭐
Còn bộ sách không thể không giới thiệu: Những nhà tư tưởng lớn trong 60 phút của tác giả Đức Walther Ziegler, một đóng góp xuất sắc vào việc phổ biến kho tàng các tư tưởng lớn bằng những trang sách nhỏ dễ đọc và cô đọng, rất bổ ích và tiện dụng cho việc tra cứu, và sử dụng:
Học giả Lưu Hồng Khanh của CHLB Đức chủ trì và nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính
⭐⭐⭐
Một quyển sách mà suýt nữa tôi quên của nhà nghiên cứu Phạm Việt Hưng: Định lý Gödel – Nền tảng của khoa học nhận thức hiện đại:
Đây có lẽ là quyển sách đầu tiên về chủ đề này ở Việt Nam về nhà logic học nổi tiếng Kurt Gödel của thế kỷ 20. Đó là một người khổng lồ trong lãnh vực toán học, sinh ra để làm những điều rất khác biệt và rất triệt để, với một cá tính mạnh mẽ đến biên giới của paranoid, trong chừng mực có nét tương đồng với nhà toán học Ấn độ Srinivasa Ramanujan. Ông paranoid đến nỗi ở một điểm không nhận ra được đâu ra thật đâu là giả, đâu là đúng đâu là sai, điều dẫn đến cái chết rất đáng thương của ông đáng lẽ không có. Ý nghĩa của “định lý bất toàn” (theorem of incompleteness), nhất là ở ngoài lãnh vực toán học, trong triết học, tôn giáo và một số ngành khoa học khác, hiện vẫn còn là điều tiếp tục được tìm hiểu. Nhưng quả thật, Kurt Gödel là một khuôn mặt fascinating để nghiên cứu.
Rebecca Goldstein, nữ tác giả của quyển sách rất nổi tiếng về Kurt Gödel, Incompleteness: The Proof and Paradox of Kurt Godel, khi được một tờ báo hỏi tại sao bà lại có một sở thích kỳ lạ: một mặt là toán học, vật lý và triết học, mặt khác là tiểu thuyết; tại sao một tiểu thuyết gia dạy triết học về khoa học lại có đủ hứng thú với toán học để viết một cuốn sách về các định lý bất toàn của Gödel, bà đã trả lời:
Đối với tôi, tình cảm yêu thích là tự nhiên. Đó chỉ là một sự thể hiện qua các hình thức khác nhau của vẻ đẹp. Các nhà toán học và vật lý học cũng được hướng dẫn bởi các nguyên tắc của sự tao nhã và vẻ đẹp giống như các tiểu thuyết gia và nhạc sĩ vậy. Einstein nói với nhà triết học khoa học Hans Reichenbach rằng ông đã biết ngay cả trước khi nhật thực năm 1919 ủng hộ thuyết tương đối rộng của ông, rằng lý thuyết này phải đúng vì nó quá đẹp. Còn Hermann Weyl, người nghiên cứu cả thuyết tương đối và cơ học lượng tử, cho biết “Công việc của tôi luôn cố gắng kết hợp cái đúng với cái đẹp, nhưng khi tôi phải chọn cái này hay cái kia, tôi thường chọn cái đẹp.” Tôi cũng sẽ nói như vậy về việc viết tiểu thuyết. Câu hỏi được đặt ra, khi bạn sử dụng các ý tưởng trong toán học, vật lý hoặc triết học trong một tác phẩm hư cấu (fiction), bạn có thể bóp méo ý tưởng đến mức nào để khiến nó hoạt động trong tiểu thuyết, hoạt động như một phép ẩn dụ. Tôi cố gắng càng gần với sự thật càng tốt, nhưng khi phải lựa chọn, thì tôi chọn cách của Weyl.
Vâng, những cái đẹp của vật lý hay toán học có thể “khủng khiếp” lắm khiến bao đầu óc tinh hoa của phương Tây đeo bám thế kỷ này sang thế kỷ khác để khám phá chúng ngày càng nhiều hơn, đẹp hơn. Trướng hợp của Kurt Gödel cũng không là ngoại lệ. Kể cả những người tác tạo (creator). Những con người càng có những nét “bất thường” lại càng “thú vị” để chúng ta hiểu thêm về con người. Họ là những con người có “vẻ đẹp lạ lùng”, strange beauty. Nếu những chân lý của khoa học có thể làm cho người ta “điên lên” thì tấm gương của những người chủ của chúng cũng có thể tác dụng như thế. Tri thức là đam mê, là “cuồng nhiệt”, như Rebecca Goldstein muốn nói. Mozart từng là một con người như thế với nghệ thuật (Xem Lá thư cuối cùng của W. A. Mozart gửi cha) Tạo hóa đã ban cho con người năng lực rung động mãnh liệt, “cuồng nhiệt” trước những chân lý vĩ đại của vũ trụ vốn là quê hương của nó. Nếu không rung động được, thì chúng ta đã quá xa rời quê hương đích thực của chúng ta mà trong quá trình tiến hóa chúng ta đã rời bỏ, và nói như Goethe, chỉ là các “vị khách buồn tẻ trên trái đất tối tăm này”.
Gödel đã truyền lại cho con người ánh sáng của ngọn hải đăng của lý tính sáng lòa, nhưng cuối đời lại kết thúc tại bóng tối của phi- lý tính mà sức mạnh của lý tính trong ông không đủ mạnh để kéo ông ra khỏi. Phải chăng sức mạnh lý tính của ông muốn vượt khỏi cái lý tính bình thường đã đẩy ông qua khỏi biên giới mà ông không còn kềm hãm nỗi? Sự bất ổn tâm thần của ông ngày càng gia tăng với tuổi. Ông luôn luôn sống với nổi ám ảnh bị người ta thuốc, nên chỉ ăn những gì vợ ông, Adele, nấu cho ông. Không may, năm 1977, Adele bị bệnh phải nhập viện sáu tháng, không ai nấu cho ông ăn nữa. Ông từ chối ăn, và sau đó đã chết tại Bệnh viện Princeton vào ngày 14-1-1978, hưởng thọ 71 tuổi. Khi mất, thân thể ông chỉ còn nặng 29kg. Trường hợp Gödel giống trường hợp nhà toán học Ấn độ Srīnivāsa Rāmānujan, người có chế độ ăn rất khắt khe, Ông ăn chay trường, rất tâm linh, không tin những thức ăn người khác nấu, nên chỉ ăn những gì ộng tự nấu. Do làm việc quá sức, ăn uống thất thường, ông đã mắc bệnh lao nặng trong lúc sống ở Cambridge, và mất khi trở về Ấn Độ.
Einstein nói rằng, ông thích lên Viện chỉ đơn thuần “để nhận được đặc ân đi bộ về nhà với Gödel”. “Zweisamkeit” – Hai lữ khách cô đơn.
⭐⭐⭐
Sách mới ra của Nguyễn Thị Từ Huy:
“Paolo Flores d’Arcais, trong chuyên khảo La politique, l’existence et la liberté – Hannah Arendt (Chính trị, hiện sinh và tự do – Hannah Arendt), cũng khẳng định chiều kích nhân bản sâu sắc mà Arendt dành cho chính trị. Ông chỉ ra rằng đối với Arendt chính trị không những là mục đích tự thân, nó còn là lĩnh vực của hiện sinh đích thực (existence authentique). Ông có lý khi nhận định như vậy. Với Arendt, nếu thực phẩm đáp ứng nhu cầu tất yếu của đời sống sinh học thì chính trị đáp ứng nhu cầu tất yếu của tồn tại đích thực, tồn tại mang tính người ở mức cao nhất.” Trang bìa sau của sách.
Cuốn sách là sự triển khai phân tích sâu và rộng hơn những nội dung của một chuỗi buổi nói chuyện tại Salon Văn hóa Cà phê Thứ bảy năm 2022 của tác giả. Nó cũng là kết quả của một dự án nghiên cứu của tác giả trong khuôn khổ các chương trình của Viện Hợp tác Nghiên cứu Quốc tế – Đại học Thái Bình Dương.
Tại sao giới thiệu tư tưởng của Hannah Arendt? Vì đó là một triết gia mà những sự kiện trọng đại nhất trong thế kỷ hai mươi đã chiếm lấy cuộc đời của bà, để lại những ưu tư triết học, xã hội cấu thành những tác phẩm có giá trị vượt thời gian. Mục lục quyển sách bao gồm các khái niệm về hành động, tự do, cách mạng, quyền uy, bạo lực, quyền lực và chính trị. Còn ai có uy tín hơn Từ Huy để giới thiệu thế giới học thuật của Hannah Arendt?
⭐⭐⭐
Hai tác giả Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa, đều là những nhà sử học về luật, đã trình bày công trình nghiên cứu, cho thấy từ Bộ luật Hồng Đức thời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) đến Bộ luật Gia Long được ban hành năm 1813, Việt Nam đã có nhân quyền, như quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tư hữu ruộng đất, quyền thừa kế tài sản, quyền tự do ngôn luận, quyền học tập – thi cử, quyền phụ nữ, quyền trẻ em, quyền của người cao tuổi, quyền kiện cáo và được xét xử công bằng, quyền được hưởng an sinh xã hội, quyền được tự do cư trú và đi lại, quyền tự do tín ngưỡng – tôn giáo, quyền tiếp cận thông tin ……
Bộ luật Hồng Đức” là bộ luật đặc sắc, lớn bậc nhất trong lịch sử pháp quyền phong kiến Việt Nam, một bộ luật cổ xưa nhất còn tồn tại đến nay ở Việt Nam, có vị trí hết sức quan trọng trong nền văn hóa văn minh của dân tộc. Bộ luật này được công luận ở nước ta và nhiều nước trên thế giới đánh giá cao, được nhiều người trong và ngoài nước quan tâm sưu tầm, nghiên cứu, tìm hiểu. Song vì bộ luật vốn ra đời trong chế độ phong kiến cách nay hơn nửa thiên niên kỷ, vả lại pháp luật thời ấy được ghi chép bằng chữ Hán, với nhiều khái niệm, thuật ngữ và cách hành văn, bố cục tương đối khó hiểu đối với người đọc thời nay… Dù dịch giả đã có công làm cho người đọc dễ hiểu mà thực tế vẫn rất khó nắm bắt được đầy đủ tinh thần cũng như nội dung câu chữ. Cho nên, cuốn sách này được biên soạn nhằm tạo điều kiện giúp người đọc bộ luật có cái nhìn tổng quát và dễ tiếp thu hơn, qua đó mà tôn vinh “Bộ luật Hồng Đức”, đặc biệt là trong lĩnh vực quyền con người.
Chúng tôi biên soạn quyển sách này nhằm làm nổi bật triều đại Hậu Lê, đặc biệt là vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) và “Bộ luật Hồng Đức” trong lịch sử Việt Nam – việc nhiều người đã thực hiện suốt hàng mấy trăm năm qua mà đến nay có lẽ chúng ta vẫn còn phải tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa trong bối cảnh mới của xã hội loài người tiến bộ. Mục đích chủ yếu là làm cho rõ về mặt đấu tranh xây dựng cuộc sống độc lập, dân chủ, nhân quyền, người Việt xưa không thua kém ai.
– Phan Đăng Thanh – Trương Thị Hòa –
⭐⭐⭐
Mặt khác được biết GS luật Tạ Văn Tài có tác phẩm về Truyền thống Việt Nam của Quyền Con người bằng tiếng Anh – The Vietnamese Tradition of Human Rights, 202 trang, được xuất bản ở Mỹ năm 1988 (đã bán hết từ lâu):
Một trang của book reviews. Quyển sách được nhiều học giả quốc tế đánh giá cao. Tác giả đang nỗ lực để có bản tiếng Việt cho đọc giả Việt Nam.
GS Tạ Văn Tài góp ý từ Hoa Kỳ:
THE VIETNAMESE TRADITION OF HUMAN RIGHTS, do Institute of East Asian Studies/University of California-Berkeley xuất bản năm 1988, 193 trang.
Sách này, ra đời đúng vào năm kỷ niệm 40 năm sinh nhật Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, được coi như sự đồng thuận toàn cầu về các quyền con người trong mọi xã hội, đã trình bày các nhân quyền được công nhận đến mức nào trong xã hội Việt Nam Cổ Truyền cuả các triều đại quân chủ, chiếu theo các tiêu chuẩn nhân quyền thế kỷ 20 của Liên Hiệp Quốc. Các nhân quyền chứa đựng trong nhiều văn kiện khác theo sau Bản Tuyên Ngôn như các Công ước về kỳ thị chủng tộc, về diệt chủng, về quyền dân sự và chính trị, về quyền kính tế, xã hội và văn hóa. Do đó, sách này vừa minh chứng tính phổ quát của nhân quyền (có thể phản bác lại các luận cứ của các chế độ chuyên quyền hiện nay nói rằng các chuẩn mực nhân quyền Quốc Tế phải nhượng bộ những đặc thù văn hóa của mỗi xã hội), vừa vinh danh tổ tiên của dân tộc Việt Nam thời xưa đã văn minh đến mức nào. Giáo sư Alexander Woodside của Đại Hoc Harvard và British Columbia cho đây là một tác phẩm quan trọng, hợp thời và táo bạo, tân kỳ trong quan niệm tổng quát và trong sự phân tích cụ thể từng nhân quyền; ông chưa thấy ai làm việc so sánh cổ luật và luật quốc tế hiện nay, như trong sách này, và nói sách đã đẩy một bước tiến xa cho việc tìm hiểu Á Đông và Việt Nam. Giáo sư Oliver Oldman, giám đốc Trung Tâm Luật Á Đông. Harvard Law School cho rằng sách này, ban về các nhân quyền tại Việt Nam thời xưa theo các chuẩn mực luật quốc tế ngày nay mà có kem theo rất nhiều các dữ kiện chính trị, kinh tế,xã hội và văn hóa, có thể là khuôn mẫu cho việc nghiên cứu nhân quyền trong bất cứ xã hội nào. Do đó sách này sẽ hấp dẫn các luật gia, sử gia, nhà khoa học xã hội nghiên cứu Việt Nam và Á Châu cũng như các nhà hoạt động nhân quyền trong Liên Hiệp Quốc vả các tổ chức phi chính phủ. Một biểu tượng đáng hãnh diện cho nền văn minh nhân bản cổ truyền của người Việt.
Các chuẩn mực nhân quyền trong luật quốc tế được liệt kê trong nhiều văn kiện ban hành sau Bản Tuyên Ngôn, trong các Công Ước (covenants), thì được Cuốn sách này phân loại ra 4 loại chuẩn mực nhân quyền quốc tế, để rồi theo đó xét chi tiết về thành tích của Việt Nam:
1) quyền toàn vẹn của mỗi con người (gồm quyền sống, tự do, an toàn trong diễn tiến thủ tục);
2) quyền bình đẳng trước pháp luật;
3) quyền dân sự và chính trị như tự do tôn giáo, tư tưởng, hội họp, tham gia công vụ qua thi cử;
4) quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (như tư hữu, giao dục).
Việt Nam thời xưa đã thi hành khá đầy đủ các chuẩn mực này, có khi còn hơn luật quốc tế hiện nay, thí dụ buộc các quan có nhiệm vụ pháp lý giúp dân nghèo (chứ không phải nhiệm ý) và có các thủ tục luật pháp và hành chính để thực thi các quyền trên (được bàn trong một chương riêng), chứ không phải ban hành luật mà rồi không thi hành.
Tạ Văn Tài
Một công trình nghiên cứu thú vị quá. Tôi rất ngưỡng mộ chiều sâu học thuật của anh Tài, và trí nhớ thiên bẩm của anh ấy giúp cho học thuật thêm sâu sắc. Quyển sách cần được dịch sang tiếng Việt sớm như có thể để người Việt tham khảo, để biết tổ tiên chúng ta đã từng có quyền về con người rất đáng tự hào như thế nào, ngay cả trong thời phong kiến thường bị lên án như quá lạc hậu và tai hại đối với sự phát triển. Những viên ngọc lấp lánh về quyền con người tuy nhiên vẫn còn đó – để đời sau đừng quên những gì quý báu mà dân tộc đã từng có trong những giai đoạn còn thiếu nhiều ánh sáng.
Xin giới thiệu bạn đọc. Nếu có quyển nào chưa được giới thiệu, thì đó là sơ xuất. Hoặc nếu chưa giới thiệu đúng mực, thì đó là vì vấn đề thời gian. Rất xin lỗi, và xin hẹn lại lần tới. Cảm ơn nhã ý của tất cả anh chị đã tặng sách cho tôi. Mong rằng chúng ta sẽ có nhiều tương tác hơn nữa.
Nguyễn Xuân Xanh
Cuối tháng 4, đầu tháng 5, 2023